Hãy ra đi lo chi đường xa lạ
“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.” Con xin mượn lời thơ Thế Lữ để gói ghém nỗi niềm của một Nữ Tu vừa mới chân ướt chân ráo đặt chân tới tu học tại Hoa Kỳ và cũng là nỗi niềm của người lần đầu tiên tham dự kỳ họp mặt Hội Linh mục – Tu sĩ – Chủng sinh tu học tại Hoa Kỳ. (đọc thêm)
Như bướm kia mật ngọt say hoa
Chúa dẫn tôi đến một nơi xa lạ
Của núi rừng, của mưa sa nắng hạ
Của đất trời, của cánh gió mưa sa.
Chúa có hay con là người khách lạ
Chốn đông người con lạc bước bơ vơ
Con chập chững như một đứa con thơ
Rồi thu mình như người câm, người điếc.
Con cố nghe nhưng chẳng hiểu chi hết
Bao ngôn từ quen – lạ cứ vang lên
Dẫu rằng ngôn ngữ đã từng quen
Nhưng lạ vì cái “quen” kia sao khác?
Bướm cứ bay trong niềm tin phó thác
Dù biết rằng còn thử thách gian nan
Cứ bay theo sứ mạng Chúa trao ban
Qua Hội dòng xin vâng con nguyện bước.
Chúa có nghe tim con luôn nguyện ước
Dâng lên Ngài hoa trái những hy sinh
Chặng đường dài cho con được vững tin
Cứ bay theo tiếng Ngài đang mời gọi.
Con là bướm bay qua miền xứ xạ
Ngài là gió đưa nhịp cánh con bay
Ngôn ngữ, văn hóa, con học điều hay
Trong tình Ngài bướm vui say cùng gió!
(Kỷ niệm 3 tháng sống tại Mỹ)
Lotus
Kết thúc khóa học đầy gian nan đèn sách, tôi quyết định tự thưởng cho mình một món quà nho nhỏ. Vừa bước vào quầy hoa trong siêu thị tôi bị choáng ngợp bởi các loài hoa với đủ màu sắc và thể loại khác nhau. Những đóa hồng khoe màu sắc thắm trong các lọ lục bình xinh đẹp, từng chậu cúc Vàng huy hoàng lộng lẫy, và nổi bật hơn cả là gian hàng hoa Trạng Nguyên đỏ thắm vui tươi. Nhưng lạ thay cái rực rỡ và lộng lẫy của các chị Hồng, Cúc, hay Trạng Nguyên lại không thu hút tôi bằng một em hoa Lan Hồ Điệp nho nhắn dễ thương. Lan Hồ Điệp được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loài hoa bởi khoác lên mình vẻ đẹp nhẹ nhàng, tinh tế nhưng ẩn chứa một sức sống tiềm tàng, và có lẽ vì thế nó được ví như vẻ đẹp toàn diện của một con người, đặc biệt của người phụ nữ. Thời xa xưa sự quý phái của Lan thường được dành cho các vương cung hoàng triều thưởng thức. Thân cây được uốn nắn tạo nên những nét cong uyển chuyển đồng thời từng cánh hoa được sắp xếp một cách sắc nét, cong lượn như hình cánh bướm, phải chăng vì thế loài hoa này mang tên Hồ Điệp (tiếng Hán có nghĩa là Con Bướm)? Ngắm nhìn cánh hoa tạo cho tôi một cảm giác rất thanh tao, bay bổng và thế là từ cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, tôi quyết định rước Lan về nhà.
Từ ngày có Lan phòng tôi dường như vui hơn, cái lạnh giá và lặng lẽ của trời Chicago mùa Covid được thay thế bằng hơi ấm tinh khôi. Sáng sáng tôi mang Lan ra cửa sổ chào đón ánh bình minh, nói chuyện với Lan tôi không ngớt trầm trồ khen ngợi nét kiều diễm mà Đấng Tạo Hóa phú ban cho Lan. Như một người bạn, tôi to nhỏ với Lan những tâm tình, thao thức và cả những ước mơ hoài bão tương lai của một nữ tu sinh viên. Không biết Lan có hiểu lòng tôi nhưng chính màu tím sắt son và sự hiện diện thầm lặng của Lan đã bộc bạch Khát Vọng thâm sâu của một cõi lòng, “Có một điều con hằng ước mơ, hằng ước mơ, là được ở trong nhà Chúa suốt đời con, suốt đời con.” Như Lan mong ánh bình minh ngày mới, linh hồn tôi cũng khao khát được thuộc trọn về Chúa với một tình yêu tinh tuyền son sắt như sắc tím cánh hoa Lan lòng tôi.
Trải lòng với Lan tôi cũng đọc được nơi bạn ấy những sứ điệp không lời. Thân hình mỏng manh nhưng yêu kiều của Lan gợi cho tôi về sự mỏng giòn yếu đuối của phận người “sớm nở tối tàn” nhưng rất cao quý và đáng được nâng niu. Vẻ đẹp của Lan là một vẻ đẹp tự nhiên, trong sáng không điểm trang đánh bóng, một vẻ đẹp Trời cho. Lan đẹp không phải bởi Lan nhưng bởi sự tài tình của Đấng Tạo Hóa. Tôi thiết nghĩ Lan không đẹp hơn bởi những lời khen ngợi của tôi cũng chẳng xấu đi nếu thiếu những lời tán dương đó, Lan vẫn đẹp như Lan là. Suy tư này mang tôi về với Khúc Hát Một Loài Hoa của linh mục nhạc sĩ Ân Đức,
“Con là một loài hoa trong muôn loài hoa nở gần xa.
Xin hát dâng lên Người một bài ca chan chứa niềm vui.
Một bài ca tri ân, môt bài ca dâng Chúa từ nhân
Hoa đâu dám chi khoe mình, nhờ hồng ân hoa mới đẹp xinh.”
Tôi tự nhủ mình cũng là “một loài hoa” được dựng nên trong cung lòng tình yêu của Thiên Chúa. Sáng sáng Ngài ngắm nhìn tôi với ánh mắt và nụ cười trìu mến. Hẳn Ngài rất vui và hãnh diện vì đã tạo dựng tôi, trong mắt Ngài tôi là một bông hoa xinh đẹp và cao quý. Tôi chợt nhớ lời của thánh Phan-xi-cô thành Assisi, “You are what you are in God’s eyes, and no more” tôi tạm dịch là “Trong mắt Chúa, bạn luôn là chính bạn, và chỉ là bạn mà thôi.” Thực vậy trong cái nhìn của Thiên Chúa, phẩm giá của tôi không cần thêm bớt hay chỉnh sửa bởi Ngài đã tạo dựng tôi theo hình ảnh của Ngài trong một cách rất riêng. Tôi đẹp khi tôi là chính tôi trong cách Chúa muốn tôi là.
Sự cao quý và có chút “kiêu sa” của Lan nhắc nhớ ơn gọi cao quý Chúa ban cho tôi, ơn gọi làm người, làm con Chúa và đặc biệt là một nữ tu của Chúa. Chính Ngài đã gọi và chọn tôi làm của “dành riêng” cho Ngài và tất nhiên không phải vì tôi rực rỡ, rạng ngời giữa muôn hoa nhưng chỉ vì Ngài yêu tôi. Tình yêu có lý lẽ riêng của nó, tôi chẳng bao giờ hãnh diện đủ để nói rằng tôi được chọn bởi vì tôi xứng đáng. Hay nói cách khác, phẩm giá cao quý của tôi không hệ ở tôi nhưng bởi chính Đấng đã tạo dựng, yêu thương và chọn gọi tôi. Vậy mà không ít lần tôi đã đồng hóa giá trị của mình với những gì mình có và những việc mình làm. Tôi đã từng nghĩ người ta sẽ yêu mến và trân trọng tôi hơn nếu như tôi làm được nhiều điều vĩ đại và đáng ghi nhớ nhưng có lẽ đó chỉ là những tư tưởng rất con người trong tôi. Chúa yêu tôi bởi cái “tôi là” chứ không do “việc tôi làm.” Nếu tôi thực sự nhìn mình, nhìn cuộc đời, và mọi người trong cái nhìn của Chúa thì tất cả đều đáng quý và đáng được trân trọng vì mọi sự đều bởi Chúa và mỗi người có một vị trí đặc biệt trong con tim của Ngài. Ước chi tôi sống cuộc đời này trong một lăng kính siêu nhiên như vậy.
Nếu như hoa hồng là biểu tượng của tình yêu thì Lan Hồ Điệp là biểu tượng của một tình yêu mãnh liệt bởi khả năng thích nghi và tồn tại của nó với các môi trường sống khác nhau. Lan không cần chăm sóc quá cầu kỳ; một chút ánh sáng, chút không khí và chút nước là đủ đến hoa có thể nở trong vòng 8 tuần tới 4 tháng, và có thể lâu hơn. Người Mỹ gọi những người khéo léo, có khả năng chăm sóc vườn tược là người có “green thumb” hy vọng tôi cũng có chút hoa tay như vậy để giữ Lan bầu bạn lâu hơn. Mỗi tuần một viên đá nhỏ như nguồn dinh dưỡng duy nhất tôi cung cấp cho Lan. Nếu như nước là nguồn lương thực cần thiết của Lan thì tình yêu và ân sủng của Chúa chính là nguồn “nước” mát tưới gội và nuôi dưỡng mảnh đất tâm hồn tôi, “bấy nhiêu thôi Chúa ơi, bấy nhiêu thôi là đủ rồi- give me nothing more than Your love and grace, these alone o God are enough for me” lời nguyện của thánh Inhaxio như lời tôi muốn ngỏ lúc này đây. Tôi tin Chúa có “green thumb” Ngài biết cách chăm sóc tôi, Ngài biết khi nào và chừng nào “nước” là đủ, chỉ cần tôi biết vâng lời, đủ tin tưởng và dám “nhỏ đi” để cho Ngài tự do chăm sóc tôi trong tình yêu quan phòng của Ngài vì Ngài đã hứa, “Ơn Ta đủ cho con.” (2Cr 12:9)
Đâu đó có tác giả viết lời trong một bài hát như thế này, “Cần một ánh sáng ở cuối con đường để con bước đi không còn lo nghĩ,” mang trong mình khát vọng của “một loài hoa” tôi muốn thân thưa với Chúa, “chỉ cần chút ánh sáng là Lời Ngài, cần chút không khí là Tình Ngài và chút nước là Ân Sủng của Ngài trong từng ngày sống thì đời con sẽ an vui kiên vững trong hành trình dâng hiến, hành trình của một “kẻ được yêu” đáp lại Người Yêu. Ước mơ đời con trở nên “một loài hoa” rất đẹp và tỏa hương theo một phong cách rất riêng. Nếu Lan Hồ Điệp đã tạo niềm vui và khơi nguồn trong con những cảm hứng thiêng liêng sâu sắc thì nguyện tâm con nên Khúc Hát Một Loài Hoa quyện hương thánh thiện, tỏa sắc tinh tuyền làm hài lòng Thiên Chúa và thắm tươi cuộc đời. Lời của hoa như tiếng vọng lòng con, nguyện dâng Chúa- Một Thiên Chúa Tình Yêu- Thiên Chúa của Muôn Loài.”
Maria Chu Thị Liên, MTG Hưng Hóa
Chicago tháng 12 năm 2020
Sáng mới mở mắt ra, cảm giác hoang mang đó lại ập đến trong tâm trí tôi. Tôi quay sang hỏi chị bên cạnh “ chị, mình đang ở Mỹ hả?”, sau khi nghe câu trả lời, như thói quen tôi lại la lên thảm thiết “ôi, bố mẹ ơi!!”… Cứ như thế cho đến hết tháng đầu tiên từ khi tôi đặt chân đến miền đất xa lạ này. Mỗi ngày tôi đều hỏi các chị chỉ một câu và tất nhiên là lại nhận được câu trả lời như trước. Có lẽ vì tôi là “úc” nên các chị cũng thương và kiên nhẫn trả lời. “Ôi, bố mẹ ơi!” suốt ngày tôi cứ rên siết như một đứa con nít. Tôi cứ lặp lại câu hỏi đó như muốn cố tránh né đi sự thật này, một sự thật “tuy phũ phàng nhưng rõ ràng” này. “ Ôi, bố mẹ ơi!”, con xa bố mẹ, xa quê hương, xa Hội dòng và chị em quá! Có lẽ vì tôi là người sống theo xu hướng “bầy đàn”, nên việc sống xa người thân quả là một khó khăn rất lớn với tôi trong thời gian này.
Thế rồi, thời gian dần trôi, tôi đã bắt đầu quen với môi trường sống này. Nỗi ám ảnh không hề nhỏ đó là sự khác biệt về ngôn ngữ, nhưng với khả năng “diễn xuất”, tôi đã dùng kỹ năng múa tay múa chân để diễn tả cho các Sơ- nơi tu viện tôi đang sống, có thể hiểu được điều tôi muốn nói. Ông bà ta có câu “miệng lưỡi đỡ tay chân”, thế mà với tôi lúc này lại thấy tay chân đỡ cho miệng lưỡi biết bao…!
Mấy ngày đầu học ngoại ngữ thật là một cực hình; có lúc tôi tự hỏi, tại sao người ta không học tiếng của mình mà mình phải học tiếng của người ta??
Sự khác biệt về ngôn ngữ luôn là một trở ngại lớn, đôi lúc nó lại dẫn đến những hiểu lầm thật.. khó đỡ. Ngày đó Sơ Bề trên chở chúng tôi đến công viên chơi, trên đường về thì đi ăn kem. Về đến nhà các Sơ khác bắt đầu hỏi thăm hôm nay đi đâu, làm gì? Với bao nhiêu vốn từ vựng, chúng tôi lôi ra hết để diễn tả cho các Sơ, không hiểu sao sau những phút vật lộn với ngôn ngữ, các Sơ quay sang trách Sơ Bề trên sao bà lại cho các em đi trượt tuyết vào mùa hè? Thế là Sơ đã bị trách oan vì khả năng diễn tả xuất sắc của chúng tôi.
Rồi thời gian “khủng hoảng” đã tới, chúng tôi đã rơi vào tình trạng “tẩu hỏa nhập ma”, tây ta lẫn lộn. Mỗi lần nói chuyện với các Sơ tôi có cảm tưởng về ngày lễ ngũ tuần trong Kinh Thánh, rối loạn ngôn ngữ. Có lần bập bẹ kể chuyện cho các Sơ “Yesterday I saw one, two, three, four, NĂM swans, Ối dzời ơi! Beautyful!!!. Đồng bọn của tôi- những người đồng bào Việt Nam xung quanh thì lăn ra cười, còn các Sơ thì ú ớ chẳng hiểu gì hết.
Có Sơ hỏi tôi thích ăn món gì nhất, tôi trả lời ngay “ kitchen, I love to eat kitchen wings” !!... Ngày xưa nghe người nước ngoài nói tiếng việt thì thấy buồn cười, giờ chúng tôi cũng chẳng khác gì họ, ngọng nghịu như em bé mới tập nói cứ bi ba bi bô.
Những ngày “lễ ngũ tuần” cứ thế diễn ra từng ngày từng giờ, có khi nhìn thấy Sơ nào ở đằng xa là tôi rẽ ngay sang lối khác để đi, tôi sợ “Chúa Thánh Thần” phải làm việc quá sức.
Nhiều lần thấy khó khăn rồi chán nản, tôi chỉ muốn về với quê hương của mình, được nói tiếng của mình một cách tự nhiên, rồi pha trò hài hước tán gẫu với chị em. Nơi này vốn dĩ không thuộc về tôi. Mọi thứ tôi đều phải bắt đầu từ số 0, bắt đầu tập nói, tập ăn, tập đi. Hành trình còn dài mà từ lúc chập chững đã thấy sao khó quá, muốn bỏ cuộc. “Vạn sự khởi đầu nan” mà gian nan lại bắt đầu nản, thôi thì thà nản từ bây giờ con hơn gặp gian nan.
Những lúc tuyệt vọng như thế, tôi chỉ nghĩ đến một điều duy nhất mà lấy lại động lực cho mình, đó là Hội Dòng. Hội dòng đã tin tưởng trao cho tôi sứ vụ này dù biết tôi yêu kém, vì thế tôi càng phải cố gắng nhiều hơn. Mẹ Hôi dòng đã hy sinh và tạo điều kiện cho tôi có một môi trường tốt nhất để học hỏi, thế nên không vì những khó khăn này mà tôi trùn bước, tôi luôn nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn mỗi ngày.
Có hàng trăm thứ ngôn ngữ trên thế giới, nhưng nụ cười diễn tả tất cả các ngôn ngữ đó. Tôi nghĩ dù khác biệt nhau về ngôn ngữ, nhưng mọi người vẫn có thể hiểu nhau trong ánh mắt, nụ cười. Niềm vui trong sứ vụ là điều quan trọng để tôi tiếp tục thi hành. Tôi luôn nhờ đến quyển từ điển thần kỳ mang tên Giê-su để dịch giải cho tôi tất cả.
Những bước đầu khó khăn là thế, có lúc muốn chạy trốn tất cả, nhất là những khi nhớ nhà (mà ngày nào cũng nhớ), tôi lại nhìn lên Chúa, Đấng thấu suốt tất cả mọi ngôn ngữ, Ngài sẽ giúp tôi khi tôi đặt trọn niềm phó thác vào Ngài.
Đã gần 4 tháng tôi xa quê rồi “ôi bố mẹ ơi!!!”
Lotus